The Boy and the Heron (tựa Việt: Thiếu Niên và Chim Diệc)lấy bối cảnh giai đoạn cuối Thế chiến thứ 2, khi Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn và trải qua biến cố lớn. Phim theo chân Mahito, một cậu bé vừa mất mẹ trong vụ ném bơm ở bệnh viện Tokyo. Sau khi cha cậu tái hôn, Mahito theo cha chuyển đến một dinh thự ở vùng nông thôn để sống cùng gia đình mới.
Lạc vào vườn địa đàng
Dù sống trong căn nhà rộng lớn được người dì hết mực quan tâm, nhưng Mahito chưa bao giờ thôi đau buồn và ám ảnh về cái chết của mẹ. Cậu thường mơ về ngày bệnh viện cháy và cảnh tượng mẹ cậu bị vây quanh bởi những ngọn lửa đỏ.
Thế rồi cuộc đời Mahito có bước ngoặc lớn khi cậu gặp một con chim diệc biết nói. Nó tìm mọi cách để "dẫn dụ" cậu bé đi cùng mình đến một thế giới khác với lời hứa sẽ mang mẹ cậu trở về.
Theo sự dẫn lối của chim diệc, Mahito vào trong một tòa tháp bỏ hoang và bị dịch chuyển đến không gian xa lạ. Nơi đây có đại cảnh thiên nhiên hùng vĩ, các sinh vật kỳ bí và loạt hiệu ứng ma thuật khiến người xem không khỏi mê mẩn và liên tưởng đến "vườn địa đàng".
Hai sinh vật đặc trưng nhất ở thế giới mà Mahito lạc vào đó là Chim vẹt và Warawara. Chim vẹt là những kẻ có "dân số" đông đảo nhất nơi đây, chúng mang tham vọng triệt tiêu các loài khác để thống trị cả vương quốc.
Trong khi Warawara (Lổm nhổm) là những tinh linh háu ăn, vô hại. Khi đến một độ tuổi nhất định, Warawara sẽ bay lên không trung và tái sinh thành con người ở kiếp sống tiếp theo.
Quốc vương đầy tham vọng của loài vẹt. |
Warawara - linh vật đáng yêu thổi hồn cho bộ phim. |
Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng
Gần 10 năm trước, đạo diễn Hayao Miyazaki - "cha đẻ" của Ghibli - từng gây tranh cãi khi ông có những phát ngôn gay gắt về việc đề cao hiệu ứng CGI (Computer-generated imagery, công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Ông chỉ trích một bản trình bày về CGI là "sự sỉ nhục đối với cuộc sống", và tuyên bố phim của mình sẽ không bao giờ dùng đến công nghệ này.
Thật vậy, từ một trong những tác phẩm giúp Hayao Miyazaki thành danh như My Neighbor Totoro, hay các họa tiết cầu kỳ trong Howl's Moving Castle đều hoàn toàn là hình ảnh vẽ tay.
Phim của Hayao Miyazaki "nói không" với CGI. |
Tiếp nối truyền thống dài hàng thập kỷ đó, The Boy and the Heron vẫn giữ nguyên phong cách vẽ tay quen thuộc. Nhưng không vì thế mà hình ảnh của phim trở nên "lạc hậu". Các chuyển động trong Thiếu Niên và Chim Diệc mượt mà, sống động, mang trường phái siêu thực và đẹp theo "chất" riêng của Ghibli.
Không chỉ hình ảnh, phần âm thanh trong The Boy and the Heroncũng được đầu tư chỉn chu. Từ âm thanh của gió, tiếng bánh xe chạm mặt đường, hay những chi tiết nhỏ nhặt khác đều được chuẩn bị kỳ công. Phim có nhịp điệu khá chậm và ít thoại, nhất là khoảng lặng dài ở phần mở đầu.
Do đó, người xem chủ yếu cảm được nội dung phim qua từng khung hình tĩnh lặng. Điển hình như lần đầu gặp người vợ mới của cha, Mahito không nói lời nào, nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự khó chịu trong đáy mắt cậu bé. Hay dù không chèn bất kỳ lời giới thiệu nào về bối cảnh, song khán giả vẫn thấy được bức tranh đời sống xã hội Nhật Bản thời bấy giờ, một quốc gia đang lao đao bởi chiến tranh.
Và sau mỗi khoảng lặng như thế, nhạc phim lại nổi lên và đẩy mạch cảm xúc đến cao trào.
Gần đây bạn sống thế nào?
Tựa gốc tiếng Nhật của The Boy and the Heron được lấy theo tiểu thuyết “How do you live” (Kimitachi ha Dou Ikiruka, 1937) nổi tiếng ở xứ Phù Tang, góp phần nêu bật thông điệp phim: “Bạn chọn cách sống như thế nào?”.
Tòa tháp mà Mahito đặt chân đến vốn được hình thành từ một lõi thiên thạch huyền bí. Tại đây, vị chủ nhân của tòa tháp mang muôn loài vào, và mong ước tạo ra một thế giới "không có ác ý". Nhưng mong muốn này nào dễ thực hiện?
Vì dù là thiếu niên tưởng chừng vô hại như Mahito, hay người phụ nữ lương thiện, bao dung như dì của cậu cũng đều tồn tại "ác ý" trong tâm hồn. Đôi lúc loại ác ý đó lại bộc phát, len lỏi vào cuộc sống và làm tổn thương những người xung quanh.
Thế giới của thành chủ sụp đổ, nhưng Mahito đã có những bài học đắt giá trên hành trình trưởng thành. Không quan trong rằng ta có bao nhiêu ác ý hay thiện ý, điều quan trọng là chúng ta dám nhìn nhận và khắc phục nó như thế nào.
The Boy and the Heron mang đến nhiều sự rung cảm về bản chất của sự sống và cái chết, về những mất mát to lớn của chiến tranh và những tổn thương cá nhân của mỗi người. Và phim nhắc nhở ta về cách sống, về kiểu người mà chúng ta muốn trở thành.
Nhưng không vì những giá trị sâu sắc mang trên mình mà tác phẩm này trở nên nặng nề, khó xem. The Boy and the Heron vẫn dàn trải các yếu tố gây cười một các khéo léo, để phim vừa truyền tải đầy đủ các thông điệp, vừa mang đến trải nghiệm điện ảnh đủ giải trí, chữa lành.
Chim Diệc là nhân tố "gây hài" của phim. |